5 chiếc card đồ họa đáng chê nhất trong lịch sử của Nvidia

Sau khi tổng hợp những sản phẩm không thành công, cả về đánh giá của người dùng, của giới phê bình lẫn doanh thu tài chính từ phía AMD, đến lượt Nvidia cũng được Digital Trends cho lên “bàn cân” để liệt kê những sản phẩm không mấy ấn tượng, đôi khi là đáng chê. Không phải trong trường hợp nào từ phía đội xanh cũng bị chê vì hiệu năng. Trái ngược lại hoàn toàn là khác. Đôi lúc, Nvidia có những quyết định kinh doanh đáng thắc mắc, tới mức từng có lần họ rơi vào kiện tụng với chính người dùng.

 

Để công nhận một cách công bằng với Nvidia, trong suốt hơn 20 năm tồn tại và thống trị thị trường card đồ họa và GPU tiêu dùng, họ chỉ làm ra đúng 1 GPU tệ về mặt công nghệ và hiệu năng. Đấy chính là chiếc GTX 480, trang bị GPU kiến trúc Fermi. Mà chẳng riêng gì GTX 480, toàn bộ GTX 400 series đều gặp vấn đề, chỉ là GTX 480 là sản phẩm cao cấp nhất, và vô tình gặp nhiều vấn đề nhất.

Đầu tiên chính là điện năng mà mẫu card này tiêu thụ, và nhiệt năng nó tỏa ra trong quá trình vận hành. Anandtech thử nghiệm và thấy rằng, một chiếc GTX 480 ngốn điện ngang một hệ thống 2 card đồ họa vận hành độc lập, chơi điện tử thì có lúc lên tới 94 độ C, con số điên rồ vào cái thời kỳ năm 2010 khi nó ra mắt chính thức. Trùng hợp thay, vị trí đặt heatsink tản nhiệt của GTX 480 bản Founders Edition lại giống hệt cái vỉ nướng, dẫn đến những mỉa mai của cộng đồng người dùng. Slogan “Cách game nên được chơi” trở thành “cách game nên được nướng.”Tệ hơn cả, Fermi ra mắt thị trường chậm hơn đối thủ cạnh tranh tới 6 tháng, sau khi HD 5000 series của AMD chính thức ra mắt. Cũng phải thừa nhận GTX 480 là card đồ họa mạnh nhất trên thị trường sử dụng GPU đơn thời điểm đó, nhưng HD 5870 cũng chỉ kém cỡ 10% hiệu năng, nhưng vận hành mát hơn nhiều. Thêm nữa, HD 5970 hai GPU khỏe hơn GTX 970. Và ở năm 2010, game được tối ưu cho tính năng chạy 2 GPU Crossfire của AMD tốt hơn SLI của Nvidia.

Và chiếc lò nướng mini của Nvidia được đặt ra mức giá 500 USD, cao tới mức không ai dám lựa chọn. Hệ quả là 8 tháng sau đó Nvidia âm thầm để GTX 400 series chết yểu, thay vào đó là GTX 580, ngang giá 480, ăn điện ít hơn, và quan trọng nhất là mạnh hơn 480.

Khi vừa ra mắt, GTX 970 nhận được rất nhiều lời khen ngợi của cộng đồng. Bản thân mình khi ấy cũng tậu một chiếc, mẫu của Zotac về thay cho GTX 560 Ti để chơi điện tử. Mà thực tế thì toàn bộ kiến trúc Maxwell trang bị trong GTX 900 series đều có hiệu năng ấn tượng. Nhưng trong số đó chất hơn cả vẫn là GTX 970, giá 329 USD, khỏe ngang flagship năm 2013 của AMD là R9 290X, trong khi tiêu tốn điện năng ít hơn nhiều. Ơ vậy thì sao GTX 970 lại lọt danh sách này?

Nếu đã từng sở hữu mẫu card đồ họa này, anh em hẳn cũng đã biết đến scandal lập lờ về dung lượng VRAM mà Nvidia trang bị cho GTX 970. Mọi người chơi điện tử ở độ phân giải Full HD thì không sao, vì dữ liệu texture đồ họa không ngốn đến 4GB. Nhưng khi VRAM sử dụng qua mức 3.5 GB, thì card bắt đầu hạ hiệu năng đến đáng ngại. Hóa ra chỉ có 3.5GB VRAM là GDDR5, chạy ở memory bus 256-bit, băng thông 224.4 GB/s. Nửa GB còn lại chậm như DDR3, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu năng khi chơi game.

Điều đó dẫn chúng ta đến với một vụ kiện tập thể, với kết quả là Nvidia phải trả 30 USD cho bất kỳ khách hàng nào sở hữu GTX 970 vài năm về trước. Nói đi cũng phải nói lại, thời ấy, không nhiều game ngốn đủ 4GB VRAM. Và nếu có thì ngày cả GTX 980 với đầy đủ 4GB GDDR5 cũng gặp khó khăn khi vận hành ở tốc độ 60 FPS.

Cũng vì lựa chọn trang bị bộ nhớ đáng quan ngại của Nvidia nên giờ đây GTX 970 gặp khó trong việc vận hành không ít game mới. Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là thời đó, Nvidia đã nói dối người tiêu dùng. Kể từ vụ kiện đó, Nvidia phải rõ ràng và cụ thể trong cấu hình GPU và card đồ họa của họ hơn rất nhiều.

Sau scandal xoay quanh GTX 970, Nvidia không lập lờ câu chuyện VRAM nữa. Nhưng đến thời kiến trúc Pascal, với GTX 1060, Nvidia lại tìm ra cách khác để cắt giảm chi phí: Số nhân CUDA trên bề mặt GPU.

Trước GTX 10 series, rất dễ gặp những mẫu card đồ họa với hai cấu hình VRAM, lấy ví dụ mẫy GTX 960 2GB và 4GB chẳng hạn. Nhiều VRAM hơn nhưng đôi khi card vẫn giữ nguyên bus interface, vậy là băng thông bộ nhớ của mẫu card đồ họa vẫn được giữ nguyên. Nhưng mọi thứ thay đổi khi GTX 1060 3GB ra mắt. Trên giấy tờ, nó giống hệt như GTX 1060 6GB, chỉ có VRAM là còn một nửa. Nhưng phải nhìn thật kỹ thông số mới thấy, GTX 1060 3GB có ít nhân CUDA trên chip GPU hơn bản 6GB.

Là một sản phẩm bình dân, GTX 1060 3GB là món đồ chơi được rất nhiều người yêu mến khi ấy. Nhưng kể từ khi GTX 1060 3GB ra mắt, Nvidia liên tục bán ra thị trường những sản phẩm card đồ họa vừa ít VRAM hơn, vừa ít nhân CUDA hơn, khiến người dùng bị loạn, không biết rẻ hơn có thua thiệt hiệu năng nhiều hay không. Thực tế thì nhân GPU là thứ quan trọng nhất trong một sản phẩm card đồ họa, rồi mới đến VRAM.

Một ví dụ điển hình xảy ra gần đây là RTX 4080 12GB, sản phẩm bị Nvidia hủy bỏ ra mắt vì nói là “đặt nhầm tên.” Nếu không theo dõi kỹ tin tức, anh em sẽ lầm tưởng 4080 12GB chỉ thua 4080 16GB đúng 4GB VRAM GDDR6X. Nhưng kỳ thực trên bề mặt của mẫu card đồ họa bị hủy bỏ là GPU AD104, khác biệt hoàn toàn, ít nhân CUDA hơn phiên bản AD103 trang bị trển RTX 4080 16GB.

Pascal ra mắt cùng thế hệ card GTX 10 series đã giúp Nvidia tạo ra một bước nhảy vọt cực lớn về hiệu năng đồ họa, qua đó giúp họ giành được vị thế độc tôn trên thị trường kể từ thời điểm đó. Đến tận thời điểm này, GTX 1080 và 1080 Ti vẫn là một trong những sản phẩm tốt nhất cho anh em chơi game ở độ phân giải Full HD. Dĩ nhiên điều này không khiến Nvidia ngủ quên trên chiến thắng. Họ liên tục có những nghiên cứu mới, với kết quả là RTX 20 series, thế hệ card đồ họa đầu tiên của họ vừa có nhân xử lý AI, vừa có nhân xử lý ray tracing thời gian thực để vận hành game.

Trên lý thuyết, về mặt công nghệ và thành quả nghiên cứu, bước chuyển từ GTX 10 lên RTX 20 series còn xa hơn cả những gì Nvidia đã làm được trong bước chuyển từ GTX 900 lên GTX 10 series 2 năm trước đó. Suy cho cùng thì GTX 1080 cũng không khác nhiều GTX 980 về mặt kiến trúc, chỉ là nó được sản xuất trên tiến trình chip bán dẫn mới hơn, hiệu quả hơn.

Và Nvidia tự tin vào bước nhảy đó tới mức, họ đặt ra mức giá 799 USD cho RTX 2080, và 1.199 USD cho RTX 2080 Ti. Vẫn phải đồng ý rằng, DLSS xử lý qua nhân deep learning, và ray tracing thời gian thực đúng là tạo ra khác biệt rất rất lớn về hiệu năng chơi game, cho phép ước mơ chơi điện tử trên màn hình 4K hoặc thậm chí là 8K trở thành hiện thực. Nhưng Nvidia quên tính đến một chuyện, ra sản phẩm nhưng không có ứng dụng nào hỗ trợ đúng thời điểm chúng ra mắt. Battlefield V có ray tracing, nhưng nó quá nặng nề với RTX 2080. Vậy là mọi tiến bộ công nghệ khi ấy đều chỉ là lời hứa, vì làm gì có game hỗ trợ?

Đến thời RTX 30 series ra mắt, mọi chuyện rất khác. Nvidia giờ có ngót nghét 300 đầu game hỗ trợ DLSS, cùng rất nhiều trò chơi khác hỗ trợ ray tracing thời gian thực.

Bản thân RTX 2080, về mặt p/p, là một sản phẩm tệ của Nvidia. Nó đắt hơn GTX 1080 Ti cỡ 100 USD, nhưng xử lý rasterize đồ họa thì không mạnh hơn nhiều. Thời đó, kể cả khi bật DLSS, thì RTX 2080 cũng chịu không nổi những trò chơi mới. Control là một ví dụ điển hình. Mình nhớ thời đó chơi Control với RTX 2080 không lên nổi 60 FPS, dù đã bật DLSS. Thêm nữa, DLSS 1.0 khi ấy vừa mờ vừa bết hình, và mãi đến 1 năm sau chúng ta mới có DLSS 2.0, thứ thực sự thay đổi cuộc chơi. Nhưng khi ấy chỉ thiếu vài tháng nữa là RTX 30 series ra mắt. Đấy mới là thế hệ card thành công thực sự của Nvidia.

Nvidia đã hơi quá tự tin vào khả năng mà phần cứng họ tạo ra có thể đáp ứng, và họ biết điều đó. Chỉ 8 tháng sau khi RTX 2080 ra mắt, thế hệ card Super được bán ra thị trường, hệt như cái cách Nvidia chỉnh sửa GTX 400 series để tạo ra GTX 500 series nhiều năm trước vậy.

 

Ở trên, với GTX 1060 3GB, chúng ta đã thấy một ví dụ của việc Nvidia lấy một GPU tuyệt vời, nhưng cắt cả số nhân CUDA lẫn VRAM để bán ra thị trường. Thế có khi nào Nvidia làm điều ngược lại không? Có đấy.

RTX 3080 12GB chính là một sản phẩm như thế. Nvidia lấy GPU GA-103 của RTX 3080, một chip GPU tuyệt vời, bỏ thêm 2GB GDDR6X cho thành 12GB VRAM và bán ra thị trường. Và thậm chí GPU trên RTX 3080 12GB cũng có nhiều nhân CUDA hơn bản 10GB, nhưng chỉ nhiều hơn cỡ 3% mà thôi. Hệ quả là hiệu năng của hai bản gần như y hệt nhau, khác xa cái thời chúng ta phải so sánh GTX 1060 3GB và 6GB.

Trớ trêu là Nvidia ra mắt sản phẩm này đúng cái thời card đồ họa khan hiếm hậu đại dịch COVID-19 và ở giữa thời điểm cơn sốt tiền ảo đang bùng nổ trên toàn thế giới. Trên các sàn bán lẻ linh kiện PC nước ngoài, RTX 3080 12GB có giá dao động từ 1.250 đến 1.600 USD. Ở Việt Nam cá biệt còn có thời một chiếc RTX 3080 12GB có giá ngang một chiếc xe máy, ngót 40 triệu Đồng!

Thời ấy thì đào coin càng nhiều VRAM và băng thông bộ nhớ càng cao, dân cày càng sướng. Còn với anh em chơi game, thì RTX 3080 10GB đã rẻ hơn nhiều, đằng này còn chẳng khác biệt mấy về tốc độ khung hình.

Dở nhất với RTX 3080 12GB chính là sự tồn tại của RTX 3080 Ti, với ngần ấy VRAM, băng thông bộ nhớ cũng y hệt, nhưng có nhiều hơn tới 14% số nhân CUDA để xử lý game, dẫn tới hiệu năng khác biệt một cách rõ rệt. Thế là sự tồn tại của RTX 3080 12GB gần như chẳng có giá trị gì đáng kể đối với thị trường mà Nvidia định hướng cả. Chỉ có đúng một cộng đồng hoan hỉ với sự tồn tại của nó mà thôi, đấy là những nông dân cày tiền mã hóa.

Nguồn: Tinhte.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

  • Trang chủ
  • Messenger